Có những thói quen xấu tồn tại song song những thói quen tốt và trong bài viết này mình sẽ đề cập đến 4 thói quen xấu thường thấy liên quan tới công nghệ. Những thói quen này chúng ta nên từ bỏ càng sớm càng tốt, đơn giản vì nó được gọi là xấu, nghĩa là không tốt, cái không tốt thì thường ta đem bỏ, thế thôi :D
1. Sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều trang web khác nhau
Sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều trang web khác nhau là thói quen cực kì tệ và không phải hiếm thấy trong giới công nghệ. Vì tính tiện lợi, dễ nhớ hay đôi khi chỉ vì lười nhác, vô tình chúng ta đã hình thành nên thói quen “một cho tất cả”, “dùng một mật khẩu cho lẹ” nhưng thử nghĩ nếu một trong số website bạn sử dụng bị hacker tấn công làm lộ ra thông tin cá nhân, trong đó có mật khẩu của bạn thì họ cũng có thể dùng thông tin có được để đăng nhập vào các trang web khác. Lúc đó giống như mình bị mất trắng, tài sản online của mình hóa thành của người khác, ngồi khóc ròng; mà vẫn chưa hết, tình hình sẽ còn tệ hơn nếu họ lạm dụng tài sản của mình vào những mục đích không tốt.
Thừa nhận rằng chúng ta có quá nhiều thứ cần nhớ, nên đôi khi dùng một mật khẩu tưởng dở lại hóa hay, giúp giảm tải cho đầu óc vốn đã và đang chịu nhiều áp lực. Nếu bạn có nhiều mật khẩu và muốn đơn giản khâu ghi nhớ thì một cách hữu hiệu là dùng các chương trình quản lí mật khẩu. Những phần mềm kiểu này có khá nhiều trên mạng, nổi tiếng có Keepass, LastPass, bạn nào quan tâm thì để lại comment để mình có hướng dẫn kĩ hơn cách xài trong một bài viết khác.
2. Không sao lưu hình ảnh
Bạn nào đã từng mất hàng trăm tấm ảnh mới cám cảnh này, như mình đã từng bị mất nguyên thư mục hơn mấy ngàn tấm hình của thằng nhóc ở nhà từ lúc sơ sinh tới nay được 4 tuổi, may mà có biết chút ít về công nghệ, dùng chương trình phục hồi dữ liệu để cứu vãn tình hình nhưng cũng không thể lấy lại đầy đủ hình như ban đầu mà còn phải mất thời gian sắp xếp, phân loại lại đống hình vừa phục hồi được. Khổ lắm chứ chẳng sung sướng gì, nhất là bây giờ hầu như ai cũng có smartphone trong tay, chụp chọt, tự sướng đủ nơi đủ kiểu mà sơ suất bất cẩn là đi tong cả nút, lúc đó than ngắn thở dài cũng chả thay đổi được gì.
May mắn là công nghệ ngày nay cũng hỗ trợ nhiều hơn trong việc sao lưu và đồng bộ dữ liệu nhờ có các dịch vụ lưu trữ trực tuyến và tuyệt vời hơn nữa là chúng miễn phí (dĩ nhiên dung lượng có giới hạn, bạn có thể mua các gói trả phí để thêm dung lượng lưu trữ nếu có nhu cầu dùng nhiều hơn). Các ứng dụng quen thuộc như Google+, OneDrive của Microsoft, hay Dropbox đều cho phép thiết lập chế độ sao lưu ảnh tự động mỗi khi có hình ảnh mới trong máy và với dung lượng miễn phí mình được cung cấp cũng đủ cho nhu cầu hàng ngày. Nhớ bật chế độ đồng bộ hình ảnh trong thiết bị của bạn lên nhé, thao tác chỉ một lần mà dùng được nhiều lần, quá đã còn gì!
Nói thêm trong trường hợp dùng máy tính (laptop, PC) thì mình vẫn có thể sử dụng các ứng dụng kể trên để đồng bộ hình ảnh có trong máy. Ví dụ như trên máy mình, xài hệ điều hành Windows thì có sẵn OneDrive, ngoài ra mình có cài thêm Google+ Auto Backup để sao lưu lên Google Drive, quất thêm MEGA (của "gã béo" Kim Dotcom :3 ) vì được cho dung lượng tới 50GB (tốc độ sao lưu cũng nhanh hơn các dịch vụ khác), Dropbox cũng có luôn nhưng cái đó dùng cho công việc, không phải sao lưu ảnh. Vậy là mình đã thiết lập sao lưu, đồng bộ ảnh lên 3 dịch vụ lưu trữ trực tuyến bên cạnh lưu trữ trong ổ cứng của máy, không còn nỗi lo sợ mất hình ảnh như trước nữa :D
3. Không quan tâm đến các thiết lập trên Facebook
Vì sao cần quan tâm tới các thiết lập trên Facebook không khó để đoán. Hẳn những ai đang đọc bài viết này cũng có cho mình một tài khoản trên Facebook và hầu như ngày nào cũng vào Facebook ít là một lần để cập nhật tin tức bạn bè, người thân cũng như các bản tin thời sự khác. Hiểu được điều này, nên giờ trên Facebook đã xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo biến tướng, vì mục đích không tốt hoặc chứa nội dung phản cảm cho người xem. Nếu lâu nay bạn chưa quan tâm tới các thiết lập trên Facebook thì sau khi đọc xong bài này, bạn quay trở lại Facebook, vào phần Settings hay Privacy để xem lại các tùy chỉnh hiện tại như thế nào mà có sự điều chỉnh lại, điều này giúp bạn kiểm soát tốt hơn nội dung xuất hiện trên News Feed và tường nhà của bạn, bớt được những trường hợp bị tấn công, ăn cắp tài khoản hay xem phải những nội dung không thích hợp.
4. Bật Flash liên tục trên laptop
Flash là một plug-in của trình duyệt cần để xem, nghe các đoạn video, nhạc trực tuyến nhưng đôi khi chính Flash lại trở thành nguồn gây phiền phức cho cả bạn lẫn chiếc laptop cưng: đa phần nội dung quảng cáo cần tới Flash và có những trang hiển thị quá nhiều quảng cáo, gây nhiễu loạn nội dung chính ta cần xem. Ngoài ra Flash còn là tác nhân khiến nguồn pin laptop giảm sút nhanh hơn. Cách đơn giản để tắt tạm thời Flash là vào phần Settings của trình duyệt để thiết lập những nội dung được phép hiển thị, hoặc bạn có thể cài thêm add-on cho trình duyệt, nếu dùng Chrome thì có FlashControl, Firefox thì có FlashBlock để không cho nội dung Flash tự động chạy, khi nào cần thì mình mới cho phép chạy.
Như trên con lap của mình, dùng trình duyệt Chrome thì có thể vào
Settings >
Privacy >
Content setting > tìm đến mục
Plug-ins chọn
Click to play. Vậy là đã có thể hạn chế phần nào nội dung Flash tự động chạy, và như nói ở trên có thể kéo dài phần nào thời lượng pin cho lap.
Trên đây là phần chia sẻ của mình về 4 thói quen công nghệ thường thấy nhưng không mấy tốt cho cả người lẫn máy, cần từ bỏ càng sớm càng tốt cũng như giải pháp cho những thói quen ấy. Bạn còn có thói quen nào cho là không tốt trong công nghệ thì cùng chia sẻ trong phần bình luận dưới đây nhé. Rất hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp :D
Peter Tien