Những tác động bảo vệ môi trường từ việc hạn chế lãng phí thức ăn

Hàng đêm trên thế giới có 805 triệu người đang đi ngủ với cái bụng đói meo và thật trớ trêu khi mà 1/3 lượng thực phẩm trên toàn thế giới lại đang bị lãng phí hàng năm. Ngoài những ảnh hưởng về mặt xã hội, kinh tế và đạo đức thì lượng thực phẩm hoang phí này còn gián tiếp tác động xấu đến môi trường. Và các chuyên gia cho rằng nếu tiết kiệm được lượng thực phẩm hoang phí thì đồng nghĩa với bảo vệ môi trường, kiềm hãm quá trình biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp như hiện nay.

Lượng thực phẩm lãng phí trên thế giới lớn cỡ nào?

Tinhte-lang-phi-thuc-an-2.
Những quả cà chua không bán được, bị hư và phải bỏ đi tại một chợ nông phẩm Asheville, Bắc Carolina. Khoảng 26% lượng cà chua trồng tại Mỹ không bao giờ đến được tay người tiêu dùng

Hơn 1/3 trong toàn bộ sản lượng lương thực trên khắp hành tinh đã bị bỏ phí. Đây chính là lượng thực phẩm bị quá hạn trong lúc vận chuyển, bị những người dân ở nước giàu vứt đi do đã mua quá nhiều, dư thừa mà không dùng hết. Theo ước tính, toàn bộ 1,3 tỷ tấn thực phẩm này có giá bán lẻ vào khoảng 1 nghìn tỷ đô la Mỹ. Trong khi đó, bạn có biết mỗi đêm đang có 805 triệu người trên thế giới đang đi ngủ với cái bụng đói meo. Ngoài những tác động xã hội, kinh tế và đạo đức thì lượng thực phẩm thải bỏ này còn tác động tiêu cực đến "chi phí môi trường" trong quá trình sản xuất ra thực phẩm.

Theo báo cáo của Liên hiệp quốc, tính riêng lượng nước dùng trong quá trình sản xuất thực phẩm lãng phí có thể tương đương với lượng nước hàng năm chảy dọc sông Volga - con sông lớn nhất tại Châu Âu. Còn lượng năng lượng phục vụ quá trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và đóng gói thức ăn lãng phí đã tạo ra 3,3 tỷ tấn CO2. Nếu lượng thức ăn lãng phí được ghép lại thành 1 quốc gia thì nó sẽ trở thành nước có tỷ lệ phát thải khí nhà kính lớn thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Tinhte-lang-phi-thuc-an-10.
John Mandyck, giám đốc phát triển của Tập đoàn kỹ thuật và vận chuyển đông lạnh United Technologies

John Mandyck, giám đốc phát triển của Tập đoàn kỹ thuật và vận chuyển đông lạnh United Technologies, Hoa Kỳ cho biết rằng có thể hạn chế lượng thực phẩm lãng phí bằng cách cải thiện "Chuỗi cung ứng lạnh" (cold chain) - bao gồm tăng cường công nghệ đông lạnh trong quá trình lưu trữ và vận chuyển. Trong Hội nghị kinh tế thế giới diễn ra hồi đầu năm nay (1/2015) tại Davos, Thụy Sĩ, ông đã nói về vấn đề thực phẩm lãng phí. Bên dưới đây là câu trả lời của ông khi được phỏng vấn quanh vấn đề này. Xin được lược dịch lại cho các bạn tiện theo dõi.

Tại sao vấn đề lãng phí thực phẩm có vẻ như ít được chú ý tới?

Tinhte-lang-phi-thuc-an-3.
Khung cảnh một cơ sở trứng tại Granja Mantiqueira, Brazil. Hàng ngày có 5,4 triệu quả trứng tươi được thu thập tại đây. Trong khi đó hàng năm các nước Mỹ Latin có hơn 15 triệu tấn trứng và sữa bị lãng phí trong quá trình sản xuất, đóng gói và vận chuyển. Trong khi người dân tại đây cũng đã bỏ phí đi 2,5 triệu tấn.

Tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển thì thực phẩm có thể dễ dàng tiếp cận tới tất cả mọi người. Trong khi thực phẩm cực kỳ phong phú nên con người thường không nhận thấy được số tiền to lớn do lãng phí thực phẩm và tất nhiên, họ cũng ít quan tâm tới những tác động của nó tới những tác động xã hội, chính trị, môi trường và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên khi tìm cách hạn chế lượng khí thải nhà kính thì việc lãng phí thực phẩm là nguyên nhân có thể cải thiện dễ dàng. Việc cải thiện không cần phải có bất kỳ công nghệ mới nào, chỉ cần sử dụng hiệu quả những gì chúng ta có là được.

Thực phẩm là ngành công nghiệp quan trọng nhất đối với nhân loại. Mỗi người trên khắp hành tinh đều sống dựa vào đó. Vậy tại sao lại có tới 1/3 lượng thực phẩm sản xuất ra nhưng không bao giờ được sử dụng?

Tinhte-lang-phi-thuc-an-4.
Ảnh chụp trong một bữa dạ tiệc tại Thượng Hải, hàng tá hải sản trên đây chỉ là 1 trong số 13 bàn tiệc. Các đám cưới của người giàu được xem như hình mẫu của sự lãng phí thực phẩm tại Trung Quốc và những loại thực phẩm thừa từ các quán cafe, nhà hàng tăng nhanh cùng thu nhập người dân tại các thành phố. Ước tính có hơn 9 triệu tấn protein bị lãng phí mỗi năm tại đây. 

Thực phẩm bị lãng phí có 2 dạng. 1/3 số thực phẩm lãng phí là do người dùng, họ mua quá nhiều rồi không dùng hết và vứt nó đi. Khoảng 2/3 còn lại bị hủy trong quá trình sản xuất và cung ứng. Thí dụ như trấy nhiều thực phẩm đang bị thối rữa trên các cánh đồng, bị hư hại do mạng lưới giao thông vận tải nghèo nàn, bị hỏng tại các chợ do thiếu kỹ thuật bảo quản thích hợp… Chúng ta có thể cải thiện bằng cách vận chuyển và lưu trữ thực phẩm trong điều kiện nhiệt độ thích hợp nhằm mở rộng nguồn cung ứng hơn.

Chúng ta có thể làm gì để cải thiện? Các ngành công nghiệp và tổ chức chính phủ nên làm gì để giảm lượng thực phẩm hoang phí?

Tinhte-lang-phi-thuc-an-6.
Một khoảng khắc đẹp tại "Chợ nông sản xấu xí" ở vùng Lisbon, Bồ Đào Nha. Những loại thực phẩm đẹp mắt luôn được người tiêu dùng lựa chọn và do đó, nông sản bị lỗi không thể đạt chuẩn để bán tại các siêu thị. Người ta đã chọn ra giải pháp là hình thành nên các chợ nông sản xấu, nơi mà chúng sẽ được chiết khấu, đảm bảo người nông dân vẫn bán được hàng và trong năm đầu tiên thực hiện mô hình này, 50 tấn nông sản đã được dùng thay vì đưa vào thùng rác.

Chính phủ có thể bạn hành thêm các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà trước đây chưa có. Đây sẽ tạo nên những sự thay đổi lớn trong quá trình vận chuyền và lưu trữ thực phẩm, đặc biệt là những thứ dễ hỏng như thịt, cá, sữa và nông phẩm. Mặt khác, cách làm này còn đảm bảo tiêu thụ sẽ an toàn hơn. Trong khi đó, các hãng công nghiệp đóng vai trò đổi mới và phát triển công nghệ, qua đó, họ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Bên cạnh đó, các hãng thực phẩm cũng có thể đóng góp bằng cách nâng cao nhận thức của người dân về tác động của lãng phí thực phẩm.

Chúng ta sẽ được gì nếu hạn chế lãng phí thức ăn?

Tinhte-lang-phi-thuc-an-7.
Khung cảnh thu hoạch cần tây tại vùng Greenfield, California. Lượng năng lượng dùng để thu hoạch, sản xuất, đóng gói và cung ứng số thực phẩm lãng phí đã thải ra 3,3 tỷ tấn CO2 mỗi năm.

Đây sẽ là một hành động mang tính lịch sử. Chúng ta sản xuất đủ thức ăn để nuôi sống mỗi người trên hành tinh và sẽ có thêm 2,5 tỷ người được sinh ra trong 35 năm tới. Do đó, chúng ta cần phải bớt lãng phí để nuôi sống nhiều người khác. Tại Mỹ, ngành nông nghiệp đã sử dụng 38% diện tích đất không đóng băng, trong khi tổng diện tích dành cho thành phố chỉ có 2% và đồng thời, nông nghiệp sử dụng 70% lượng nươc ngọt. Do không thể sản xuất nhiều hơn nên việc bớt lãng phí sẽ giúp nuôi sống nhiều người khác. Bên cạnh đó, hành động này còn có tác động tích cực tới môi trường: lượng phát thải khí nhà kính ít đi trong khi tiết kiêm được nguồn nước.

Và người dùng sẽ được gì?

Tinhte-lang-phi-thuc-an-5.
Tủ lạnh bên trái chứa đầy những loại thức ăn đóng họp mang đi nên sẽ khó kiểm soát trước khi nó hỏng. Tủ lạnh bên phải chứa các loại nông phẩm tươi sống nên cần phải có kế hoạch nấu nướng và lưu trữ hợp lý. Các loại vi khuẩn gây hỏng thực phẩm thường ít có điều kiện hoạt động ở nhiệt độ dưới 4 độ C.

Có thể một người không thể giúp được nhiều, nhưng nếu tất cả mọi người đều hành động thì sẽ tạo nên tác động lớn. Hãy đơn giản là mua thức ăn đủ dùng và hạn chế vứt đi. Hãy chấp nhận rằng các loại nông phẩm vẫn đảm chất lượng cao, rất ngon lành mặc dù có một số khuyết điểm nhỏ xuất hiện trên đó. Thức ăn ăn không hết ở nhà hàng có thể mang về nhà. Những thay đổi nhỏ này có thể mang lại kết quả lớn.

Chuỗi cung ứng lạnh là gì và có công nghệ mới nào sẽ cải thiện nó?

Tinhte-lang-phi-thuc-an-9.
Hình ảnh container lạnh tại cảng Jurong, Singapore. Đây là một phần trong chuỗi cung ứng lạnh và bằng cách cải thiện nó, chúng ta có thể giảm lượng thực phẩm lãng phí

Chuỗi cung ứng lạnh là một mạng lưới vận tải, lưu trữ các loại thực phẩm dễ hỏng như thịt, cá, sữa và các loại nông phẩm trong điều kiện nhiệt độ thích hợp để tránh hư hỏng. Hệ thống này liên quan tới những công nghệ như container lạnh trên tàu biển, xe tải đông lạnh, kho lạnh và hệ thồng trưng bày đông lạnh. Hiện tại có nhiều công nghệ hiệu quả với giá thành hợp lý nhằm liên tục theo dõi và giám sát thực phẩm trong quá trình vận chuyển nhằm đảm bảo duy trì các thông số nhiệt độ thích hợp. Đây là một cách chủ động ngăn chặn thực phẩm bị hư hỏng trong quá trình cung ứng. Việc ung cấp các giải pháp xe tải đông lạnh giá rẻ cũng được thực hiện tại Ấn Độ nhằm cải thiện chất lượng chuỗi cung ứng này. Bên cạnh đó, việc sử dụng các chất làm lạnh tự nhiên và khai thác năng lượng hiệu quả cũng góp phần giúp cũng cung ứng lạnh thân thiện với môi trường hơn.

Làm thế nào phổ cập chuỗi cung ứng lạnh đến các quốc gia đang phát triển, vốn thu nhập chưa cao nhưng nhu cầu lại nhiều

Hiện tại, người ta chưa thể mang toàn bộ hệ thống xe tải đông lạnh hiện đại tại Mỹ hoặc châu Âu đến trang bị cho các nước nghèo. Trong nhiều trường hợp, cơ sở hạ tầng giao thông, đường sá tại các quốc gia này chưa đủ điều kiện để các xe tải lớn hoạt động, kỹ năng của nhân công chưa đủ để vận hành những hệ thống cung ứng phức tạp và nền kinh tế cũng chưa cho phép triển khai các hệ thống này một cách hiệu quả. Vì vậy, vấn đề ở đây là tìm cách thu nhỏ quy mô của chuỗi cung ứng lạnh, ít tính năng hơn, giá cả hợp lý hơn nhằm phù hợp với nhu cầu thực tế tại các nước nghèo.


Nguồn: Tinhte

0 comments:

Post a Comment