Một nhóm nghiên cứu đa ngành của trường đại học Texas Medical Branch tại Galveston và công ty Profectus BioSciences mới đây đã phát triển thành công một loại vắc xin đơn liều giúp chống lại vi rút Ebola Zaire chủng Makona, loại vi rút đã hoành hành trong đại dịch tại Tây Phi trong năm 2014. Được chứng minh có tác dụng nhanh, hiệu quả đối với các loài linh trưởng phi nhân (nonhuman primate), loại vắc xin này được cho là nhiều khả năng sẽ trở thành vắc xin Ebola cho con người. Về độ an toàn, được biết vắc xin trên là loại duy nhất cho đến nay đạt được Mức độ 4 về an toàn sinh học trong phòng thí nghiệm (Biosafety Level 4 laboratory) tại Phòng Thí Nghiệm Quốc Gia Galveston, Hoa Kỳ. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí danh tiếng bậc nhất Nature.
Theo thông tin mới cập nhất từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch bệnh do vi rút Ebola gây ra đã khiến hơn 24 nghìn người mắc bệnh, trong đó hơn 10 nghìn trường hợp tử vong. Với mức độ lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao, căn bệnh này đang là mối quan tâm của toàn thế giới. Dịch bệnh tạm thời đã được khống chế. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng dân số nhanh ở Tây Phi thì tần suất tiếp xúc giữa con người với những vật chủ tự nhiên chứa virút Ebola như dơi là rất cao. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng một đại dịch nghiêm trọng sẽ sớm bùng phát trở lại.
Để đối phó với dịch bệnh, việc tìm ra một loại vắc xin hiệu quả là rất quan trọng. Rất nhiều nghiên cứu đã được tiến hành và theo đó, nhiều vắc xin được tìm ra với hứa hẹn ban đầu có thể giúp các loài động vật linh trưởng phi nhân (nonhuman primate) chống lại vi rút Ebola Zaire. Nhiều loại trong số đó đã nhanh chóng được đưa vào thử nghiệm. Mới đây, Canada cũng phát triển một loại vắc xin mới có tác dụng nhanh, hiệu quả và đã được thử nghiệm thành công trên người. Tuy nhiên, tính tiện dụng của nó vẫn chưa cao khi phải sử dụng các liều vắc xin kép. Được biết, loại vắc xin vừa được phát triển bởi đại học Texas Medical Branch và công ty Profectus chỉ dùng một liều duy nhất, hiệu quả cao, và đã vượt qua thử nghiệm về độ an toàn trong phòng thí nghiệm quốc gia Galveston.
Theo thông tin công bố, loại vắc xin mới này sử dụng một loại virút không gây hại cho con người có tên gọi VSV (vesicular stomatitis virus). Các virút VSV này được cấy một phần của virút Ebola trong nó. Khi phát hiện ra sự tồn tại của các virút này, cơ thể sẽ phát động hệ miễn dịch chống lại virút Ebola Zaire chủng Makona một cách an toàn. Tuy nhiên, để đảm bảo không có bất cứ vấn đề nào liên quan đến vắc xin có thể xảy ra, nhóm đã phát triển hai loại vắc xin thế hệ kế tiếp của dạng vắc xin này nhưng đã được làm yếu đi nhiều. Theo đó, cả hai vắc xin đó đều được sản xuất với mức virút trong máu thấp hơn gần 10 lần so với vắc xin thế hệ đầu.
Giáo sư Thomas W. Geisbert của trường đại học Texas Medical Branch, cũng là người dẫn đầu của nhóm nghiên cứu, cho biết vắc xin hiện đã được thử nghiệm trên mẫu gồm 10 chú khỉ. Trong vòng một tuần sau khi được tiêm virut Ebola thì 2 con khỉ không được tiêm vắc xin đã chết trong khi những chú khỉ còn lại được tiêm vắc xin vẫn khỏe mạnh.
Được biết các thử nhiệm đầu tiên trên những người tình nguyện khỏe mạnh sẽ sớm được thực hiện vào mùa hè này. Tuy nhiên, nhóm cũng cho biết, cần thiết phải tiến hành những kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo những sự khác biệt nhỏ giữa các chủng Ebola không làm ảnh hưởng đến tính hiệu quả của vắc xin.
Theo giáo sư Thomas Geisbert, phát hiện này được xem là một bước tiến lớn bởi nó mở đường cho công cuộc tìm kiếm và sản xuất những loại vắc xin hiệu quả cao hơn, an toàn hơn với chỉ một liều duy nhất để chống lại dịch bệnh Ebola trong hiện tại cũng như khi nó có thể bùng phát trở lại trong tương lai.
Nguồn: Tinhte